• Skip to main content
  • Skip to secondary menu
  • Bỏ qua primary sidebar
Sách Toán – Học toán

Sách Toán - Học toán

Giải bài tập Toán, Lý, Hóa, Sinh, Anh, Soạn Văn từ lớp 1 đến lớp 12, Học toán và Đề thi toán

  • Môn Toán
  • Học toán
  • Sách toán
  • Đề thi
  • Môn Lý
  • Môn Hóa
  • Môn Anh
  • Môn Sinh
  • Môn Văn
Bạn đang ở:Trang chủ / Văn hay / Văn mẫu lớp 10 / Cảm nhận bài Câu cá mùa thu của Nguyễn Khuyến

Cảm nhận bài Câu cá mùa thu của Nguyễn Khuyến

Đăng ngày: 24/02/2018 Biên tâp: admin Thuộc chủ đề:Văn mẫu lớp 10

Cảm nhận bài Câu cá mùa thu của Nguyễn Khuyến

Đề bài: Cảm nhận bài Câu cá mùa thu của Nguyễn Khuyến

Mùa thu – mùa của lá vàng bay, mùa của những cảm xúc buồn thương man mác…và là mùa của những nhà thơ trao gửi những suy tư lẫn nỗi niềm không tên. Nguyễn Khuyến – một thi sĩ với tâm hồn đơn sơ và giản dị đã có những vần thơ rất gần gũi, thân quen miêu tả cảnh sắc nhẹ nhàng của mùa thu. Tác phẩm mang tên “Câu cá mùa thu”. Đây là bài thơ nằm trong chùm ba bài thơ thu của Nguyễn Khuyến. Theo Xuân Diệu, “Nguyễn Khuyến nổi tiếng nhất trong văn học Việt Nam là về thơ Nôm. Mà trong thơ Nôm của Nguyễn Khuyến, nức danh nhất là ba bài thơ mùa thu: Thu điếu, Thu ẩm, Thu vịnh”.

Thu điếu chỉ vỏn vẹn tám câu thơ nhưng cảnh sắc mùa thu đã được Nguyễn Khuyến gói gọn một cách rất tài tình:

“Ao thu lạnh lẽo nước trong veo

Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo

Sóng biếc theo làn hơi gợn tí

Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo

Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt

Ngõ trúc quanh co khách vắng teo

Tựa gối buông cần lâu chẳng được

Cá đâu đớp động dưới chân bèo.”

Lúc này, mùa thu đã nhuốm vàng cả đất trời, cả cảnh sắc thiên nhiên. Mọi thứ xung quanh nhà thơ đều chuyển động rất nhẹ nhàng, tinh tế và tĩnh lặng. Ông đã dùng từ “ao thu” như để gói gọn trọn vẹn cả mùa thu vào cái ao “lạnh lẽo nước trong veo”. Trong cái ao ấy lại duy nhất chỉ có “một chiếc thuyền câu bé tẻo teo”. “Bé tẻo teo” nghĩa là rất bé, bé xíu. Nguyễn Khuyến đã cố tình miêu tả như vậy để diễn tả sự vắng lặng của mùa thu ở chốn thôn quê thanh bình, yên tĩnh. Và dường như không gian thu hẹp lại chỉ quanh chiếc ao nho nhỏ với “sóng biếc theo làn hơi gợn tí”. Mọi sự chuyển động vẫn duy trì ở mức hết sức nhẹ nhàng và im ắng. Nhưng đến lúc này, ánh nhìn của nhà thơ đã hướng lên không trung, lên nơi có những chiếc “lá vàng trước gió khẽ đưa vèo”. Mọi thứ có vẻ như đều nằm gọn trong sự quan sát của nhà thơ. Đến ngay cả cách mà chiếc lá vàng rơi ông cũng nhìn nhận rất tỉ mỉ. Lẽ ra, một người khi câu cá chỉ tập trung để ý đến sự rung động của chiếc phao để giật cần đúng thời điểm cá cắn, đâu còn tâm trí để ý mọi thứ xung quanh. Nhưng ở đây, trường hợp câu cá của Nguyễn Khuyến lại không diễn ra như vậy. Ông quan sát cặn kẽ và tinh tế tất cả những thứ quanh mình. Ông nhìn ao, nhìn thuyền, nhìn lá vàng rơi, rồi ngước lên trên bầu trời xanh ngắt với những “tầng mây lơ lửng” trôi. Thiên nhiên quang đãng, dưới đất chỉ có một chiếc ao nhỏ với cái thuyền “bé tẻo teo”, còn trên cao là cả bầu trời bao la, xanh ngắt. Sự đối lập của tự nhiên dường như hàm chứa cả những nỗi niềm của người đang ngắm cảnh. Đúng như Nguyễn Du từng viết:

“Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”

(Truyện Kiều – Nguyễn Du)

Ở đây, Nguyễn Khuyến không nói mình buồn nhưng qua cách miêu tả cảnh thu, ta dễ dàng nhận ra cảm xúc xao xuyến, băn khoăn của ông. Có thể không ai hiểu những nỗi niềm ấy, nhưng trong từng vần thơ đã phần nào nói lên tâm trạng của tác giả. Đâu đâu ta cũng thấy những nỗi buồn phảng phất cùng sự quạnh hiu, trống vắng:

“Ngõ trúc quanh co khách vắng teo”

Lại một lần nữa ta bắt gặp vần “eo”, “eo” gợi lên sự nhỏ bé, cô đơn và có phần buồn tủi. Đã thế Nguyễn Khuyến lại miêu tả “ngõ trúc quanh co” càng làm tăng sự vắng vẻ của mùa thu chốn thôn quê thanh bình mà tĩnh lặng. Và rồi, ông cũng vẫn nhận ra rằng mình đang câu cá:

“Tựa gối buông cần lâu chẳng được

Cá đâu đớp động dưới chân bèo”

Phải chăng đây là lí do mà ông vừa câu cá vừa ngắm nhìn cảnh sắc xung quanh? Bởi cá không chịu cắn câu hay bởi vì ông không để ý đến cần câu? Dù hiểu theo nghĩa nào thì hàm ý sâu xa trong câu thơ ấy vẫn là những nỗi niềm suy tư của tác giả. Việc câu cá chỉ là cái cớ để ông nói lên nỗi lòng mình, là dịp để ông bắt gặp mùa thu vắng vẻ của thôn quê. Mùa thu đẹp nhưng buồn. Một nỗi buồn không tên. Một nỗi buồn man mác và cũng nhẹ nhàng như chiếc lá vàng đang bay trong gió thu.

Nhan đề bài thơ là “câu cá mùa thu” nhưng có lẽ là “ngắm cảnh mùa thu” sẽ đúng hơn. Vì tác giả không hề để ý đến việc câu cá, xuyên suốt tác phẩm chỉ là những chuyển động nhẹ nhàng của cảnh thu. Đặc biệt trong câu thơ cuối “Cá đâu đớp động dưới chân bèo”, tác giả vừa tả thực vừa hàm ý những suy nghĩ của bản thân. Vốn dĩ lúc này, Nguyễn Khuyến đã về quê ở ẩn, ông sống xa cách với lối sống bon chen, tất bật nơi quan trường thị phi lẫn lộn. Nhưng không phải vì thế mà ông bỏ mặc việc nước việc nhà, trong lòng ông lúc nào cũng canh cánh những nỗi lo cho vận mệnh đất nước cùng những khát khao, những ước mơ về một ngày mai tươi sáng.

Đọc bài thơ, ta không những thấu hiểu được tình yêu thiên nhiên, yêu đất nước của Nguyễn Khuyến mà còn cảm nhận được một tâm hồn “trong veo” của con người suốt cả một đời nguyện sống khiêm nhường, từ tốn, không ham mê danh vọng, tiền tài. Chỉ tám câu thơ ngắn gọn nhưng đó là cả một mùa thu, một miền quê và một đời người tĩnh lặng, sạch trong.

Tag với:Cảm nhận

Bài liên quan:

  • Cảm nhận vẻ đẹp dòng sông Hương qua bài “Ai đã đặt tên cho dòng sông” của Hoàng Phủ Ngọc Tường
  • Cảm nhận của em về tùy bút “Mùa xuân của tôi” của Vũ Bằng
  • Cảm nhận về truyện “Cô bé bán diêm” của An-đéc-xen
  • Cảm nhận về truyện “Chiếc lá cuối cùng”
  • Cảm nhận về hình ảnh quê hương trong thơ Tế Hanh
  • Cảm nhận về nhân vật Thúy Kiều trong đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích”
  • Cảm nhận của bạn về truyện ngắn “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam
  • Cảm nhận về thân phận người phụ nữ Việt Nam thủa xưa
  • Cảm nhận của em về bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ”
  • Cảm nhận về bài “Phú sông Bạch Đằng” của Trương Hán Siêu

Sidebar chính

MỤC LỤC

  • Những bài Văn mẫu hay lớp 10




Booktoan.com (2015 - 2021) Học Toán online - Giải bài tập môn Toán, Lý, Hóa, Sinh, Anh, Soạn Văn, Sách tham khảo và đề thi Toán.
THÔNG TIN:
Giới thiệu - Liên hệ - Bản quyền - Sitemap - Quy định - Hướng dẫn.